Covid-19 khiến thị trường bất động sản 8 tháng đầu năm biến động ra sao?
Đại dịch Covid-19 đã góp phần làm suy yếu sức hoạt động của thị trường bất động sản và giáng một đòn đau vào nguồn thu ngân sách trong 8 tháng đầu năm 2020. Cùng nhìn lại diễn biến thị trường trong 8 tháng qua trong bài viết này.

Bất động sản ế ẩm trong mùa covid-19
Nguồn cung và giao dịch lao dốc không phanh
Chịu tác động từ chính sách siết pháp lý dự án, quy mô thị trường BĐS bị sụt giảm mạnh, lượng dự án nhà ở cung ứng cho thị trường thiếu hụt nghiêm trọng. Nguồn cung mới bị kìm kẹp được kỳ vọng sẽ rã đông trong năm 2020 nhưng lại bị Covid-19 giáng một đòn mới khiến ách tắc càng thêm nghiêm trọng.
Thống kê từ HoRea cho thấy, 8 tháng đầu năm 2020, thị trường chứng kiến kỷ lục nguồn cung nhà ở thấp nhất trong 5 năm qua. Riêng 2 quý đầu năm, lượng dự án triển khai giảm 30,7% so với cùng kỳ 2017.
Trong 20 dự án được giải quyết pháp lý, chỉ có 9 dự án mới, còn lại là 11 dự án cũ được điều chỉnh về quy mô hoặc chỉ tiêu quy hoạch. Các dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn bị giảm mạnh. So với 2017, số lượng dự án được bán giảm đến 69,6%, tương ứng số lượng nhà ở huy động vốn cũng giảm đến 78,8%.

Thị trường bất động sản nửa đầu năm 2020
Nguồn cung giảm, kinh tế bị Covid-19 làm ảnh hưởng nặng nề khiến nhu cầu giao dịch BĐS giảm nhiệt. Lượng giao dịch căn hộ nửa đầu năm 2020 giảm 55% so với cùng kỳ 2019, với chỉ khoảng 6.800 sản phẩm nhà đất được giao dịch, đây là mức thấp nhất trong nửa thập niên trở lại đây. Lượng giao dịch biệt thự, nhà phố giảm 34%.
Nhìn nhận về thị trường trong 3 quý vừa qua, có thể thấy Covid-19 khiến nguồn cung thị trường sụt giảm nghiêm trọng và tạo ra sự lệch pha cung cầu, từ đó đẩy giá bất động sản tăng cao.
Nguồn thu ngân sách giảm, doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng
Covid-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ, nguồn tài chính có hạn không trụ vững qua dịch. Tình hình dịch bệnh kéo dài làm chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay của dự án tăng, doanh nghiệp đối mặt nguy cơ tăng chi phí quản lý, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động, khả năng phải rơi vào nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động ngày càng nhiều.
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, có khoảng 80% sàn giao dịch BĐS đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp.
Đặc biệt, nhiều công ty kinh doanh BĐS vừa nhen nhóm hoạt động trở lại sau đại dịch lần thứ nhất, lại tiếp tục đóng cửa ở lần dịch thứ hai.
- Trong thời điểm tháng 4/2020 hơn 300 sàn môi giới phải đóng cửa, giải thể hay ngừng kinh doanh.
- Tính đến tháng 8/2020, đã có đến 923 doanh nghiệp BĐS tuyên bố giải thể, tạm ngừng hoạt động với nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp có liên quan đến đại dịch Covid-19.

2020, nhiều doanh nghiệp bất động sản giải thể
Con số này tăng 136% so với cùng kỳ 2019 và làm cho BĐS trở thành lĩnh vực có số doanh nghiệp giải thể cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm tới 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Quy mô thị trường giảm kéo theo nguồn thu ngân sách nhà nước từ BĐS giảm mạnh. Ngân sách nhà nước từ bất động sản trong 8 tháng đầu năm 2020 chỉ thu được 4.453 tỷ đồng, giảm đến 52% so với cùng kỳ 2019.
Hiện tại đại dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát tốt nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể bùng phát. Theo nhận định, đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi căn bản nền kinh tế toàn cầu và thị trường nhà đất, thay đổi lớn cả về nhận thức và hành vi xã hội của người mua nhà.
Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tới đây, có liên quan đến tất cả các chủ thể trên thị trường bất động sản, như các chủ đầu tư dự án; người mua nhà; nhà môi giới; nhà thầu; các đơn vị tư vấn; các đơn vị sản xuất,… Tuy nhiên bên cạnh những khó khăn thì vẫn còn có những cơ hội mới cho các nhà đầu tư.
Năm 2021, thị trường bất động sản được nhận định sẽ có nhiều tín hiệu tốt để hồi phục. Xét về lâu dài, đây vẫn là kênh đầu tư có tiềm năng mang tới lợi nhuận tốt, bền vững.
Xem thêm:
Nguồn: http://condohotelnhatrang.com.vn/