Thực trạng nhà ở xã hội Nha Trang và những vướng mắc cần gỡ
Đối với những người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội là một giải pháp tốt để tìm được nơi cư trú phù hợp, đặc biệt là ở những thành phố lớn thì nhu cầu về nhà ở càng cao. Bài viết dưới đây sẽ khái quát về nhà ở xã hội Nha Trang.
Khái niệm về nhà ở xã hội
Khái niệm về nhà ở xã hội lần đầu tiên xuất hiện chính thức trong văn bản pháp luật là Luật nhà ở 2005: “Nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng để cho các đối tượng quy định tại điều 53 và điều 54 của Luật này thuê hoặc thuê mua”. Còn theo Luật nhà ở năm 2014, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014.
Ngoài ra, nhà ở xã hội là nhà ở được Nhà nước ưu tiên đáp ứng cho 10 nhóm đối tượng, trong đó nhóm đối tượng có số lượng lớn nhất, đó là: Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại các khu vực nông thôn; Người thu nhập thấp, hộ nghèo và cận nghèo tại các khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc trong và ngoài khu công nghiệp; Cán bộ, công chức và viên chức; Học sinh và sinh viên.
Thực trạng nhà ở xã hội ở Nha Trang
Cầu nhiều – cung ít
Theo khảo sát của những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội ở Nha Trang, lượng người nộp đơn tăng lên hàng năm trong khi các công trình có tiến độ xây dựng chậm làm cho nhiều người mất rất nhiều thời gian chờ đợi và đến nay vẫn chưa có kết quả. Theo thống kê của Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Khánh Hòa, từ năm 2011 đến nay có khoảng 5.000 căn nhà ở xã hội đã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn của các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp. Đơn cử như dự án nhà ở xã hội VCN Phước Long có lượng đơn xin mua gấp 4 lần số căn công bố.
Có những trường hợp khác như khách hàng đủ điều kiện mua, hồ sơ được duyệt nhưng số lượng không thể đáp ứng. Khi buổi bốc thăm vừa kết thúc, rất nhiều khách hàng không bốc trúng đã nhận được điện thoại lạ chào bán lại những căn hộ tại dự án này với giá chênh từ 200 triệu đồng trở lên. Như vậy, số lượng nhà ở không đáp ứng đủ số lượng một phần là do còn tồn tại những mặt tối như trên.
Thủ tục vẫn còn nhiều vướng mắc
Các chính sách phát triển nhà ỏ xã hội hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập về thủ tục đầu tư, gói tín dụng, lợi nhuận không được vượt quá 10% và nhất là quỹ đất. Người có quỹ đất thì không chịu làm trong khi người muốn làm lại không có quỹ đất. Theo quy định, các dự án nhà ở thương mại có diện tích trên 10 ha phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội, chưa kể những dự án nhà ở xã hội đã cấp chứng nhận đầu tư nhiều năm nhưng lại chậm triển khai. Điều này khiến cho thị trường phát triển không đạt kỳ vọng.
Nhà ở xã hội được xây dựng với mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ cho một số đối tượng được ưu tiên trong xã hội nhưng chưa có nhà ở như: công chức, công an, bộ đội, giáo viên, người có thu nhập thấp… Do đó, tiêu chí để lựa chọn người mua nhà ở xã hội rất gắt gao, trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà.
Theo quy định, đối tượng được mua nhà ở xã hội không những không được chuyển nhượng dưới mọi hình thức trong thời hạn 5 năm, tính từ thời điểm trả hết tiền mua mà còn không được thế chấp. Do đó, việc mua bán nhà ở xã hội theo dạng này là hoàn toàn trái quy định. Tình trạng này dẫn đến việc những người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội nhưng không có nhu cầu ở mà với mục đích là bán lại; còn những người có nhu cầu ở thực, lại phải mua lại với giá chênh lệch rất cao. Dù trường hợp nào đi nữa thì chủ trương xây dựng nhà ở xã hội của Nhà nước cũng đã bị lệch đi mục đích ban đầu của nó.
Trước tình hình trên, việc vào cuộc của các cơ quan chức năng là hết sức quan trọng để kiểm soát triệt để và tạo điều kiện cho những người thực sự cần có nhà ở xã hội như mục đích của nó.
Xem thêm: Luật quy hoạch đô thị mới nhất
Nguồn: http://condohotelnhatrang.com.vn